Thành lập Ban Chỉ huy PCTT và Ứng phó sự cố công trình thủy lợi ĐBSCL
Thứ Ba, 05 / 12 / 2023

Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vừa đã công bố Quyết định số 398/QĐ-BNN-TL ngày 27/9/2023 của Bộ NN-PTNT về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL tại nhà điều hành cống Cái Lớn (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được chỉ định là Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được chỉ định là Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh.

Theo quyết định này, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được chỉ định là Trưởng ban, các Phó Trưởng ban gồm Cục trưởng Cục Thủy lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng; Lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng là Ủy viên và lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam là Ủy viên thường trực. 

Ban Chỉ huy PCTT và Ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL có nhiệm vụ chỉ đạo, xử lý các tình huống khẩn cấp như hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng, mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, ngập úng và tìm kiếm cứu nạn; ứng phó sự cố công trình liên quan đến công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam quản lý.

Cũng tại đây, Cục Thủy lợi đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi và ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đồng chủ trì hội nghị.


Cục Thủy lợi đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Trung Chánh.

Cục Thủy lợi đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố công trình thủy lợi vùng ĐBSCL năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Trung Chánh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về tổng kết công tác phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố công trình năm 2023, kế hoạch vận hành năm 2024 các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam quản lý. Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Nhận định tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn mùa khô 2023-2024 của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ. Báo cáo đánh giá kết quả vận hành hệ thống Cái Lớn - Cái Bé và rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành của các Viện thuộc Bộ NN-PTNT.

Qua đánh giá, các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL nói chung và hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nói riêng bước đầu đã phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của dự án. Đảm bảo ổn định nguồn nước, phục vụ tốt cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, ngọt - lợ luân phiên, mặn - lợ. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mà hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé mang lại, thì một số nhiệm vụ của dự án đến nay chưa thực hiện được, các công trình trong hệ thống vẫn chưa được xây dựng đồng bộ và khép kín nên gây khó khăn cho công tác vận hành, phát huy hết hiệu quả công trình.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn trong vùng ĐBSCL, với hơn 570.000 ha, chiếm gần 90% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tỉnh Kiên Giang đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu cực đoan, khó lường gây ra tình trạng xói lở bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có nhiệm vụ cấp bách giúp ổn định sản xuất cho vùng diện tích hơn 384.000ha ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Công trình sẽ mang đến sự hài hòa cho sản xuất, ổn định sinh kế, cũng như vẫn đảm bảo được các yếu tố về sinh thái môi trường của ĐBSCL.