Nâng cao nhận thức cộng đồng về hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé
Thứ Tư, 15 / 11 / 2023

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Sáng 15/11, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong việc phối hợp quản lý, vận hành công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

Các đại biểu và học viên tham dự lớp tập huấn 'Nâng cao nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong việc phối hợp quản lý, vận hành công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu và học viên tham dự lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong việc phối hợp quản lý, vận hành công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Lớp tập huấn có 300 học viên là cán bộ các Chi cục Thủy lợi, Phòng NN-PTNT, các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và nông dân của 17 huyện thuộc 5 tỉnh trong vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, gồm: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Trong 3 ngày (từ 15-17/11), các học viên được tiếp thu 5 chuyên đề về: Các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách về thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Hướng dẫn hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi. Công tác phối hợp quản lý, vận hành công trình do Bộ quản lý và công trình do địa phương quản lý trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

Hướng dẫn thực hiện tiêu chí thủy lợi các cấp theo các mức đạt chuẩn, nâng cao trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Công tác quy hoạch, đầu tư khép kín công trình thủy lợi, giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn. Ngoài ra, trong quá trình tập huấn, các học viên được tham quan thực tế, nghe giới thiệu tổng quan và quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

Ông Phan Tiến An, Phó trưởng phòng Kinh tế Thủy lợi Cục Thủy lợi cho rằng, lớp tập huấn giúp các bên liên quan trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Phan Tiến An, Phó trưởng phòng Kinh tế Thủy lợi Cục Thủy lợi cho rằng, lớp tập huấn giúp các bên liên quan trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi. Ảnh: Trung Chánh.

Thông qua các chuyên đề của lớp tập huấn, đã mang đến cho các học viên những kiến thức cơ bản về hệ thống công trình, về pháp luật thủy lợi, các giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, về thực hiện tiêu chí thủy lợi... nhằm nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, đáp ứng sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Kết thúc, các học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn.

Phát huy hiệu quả công trình


Ông Phan Tiến An, Phó trưởng phòng Kinh tế Thủy lợi (Cục Thủy lợi) đánh giá công trình Cái Lớn – Cái Bé là hệ thống thủy lợi lớn, với diện tích tự nhiên vùng hưởng lợi 384.120 ha, thuộc địa bàn 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Quá trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được đã đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Quá trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được đã đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Hệ thống có nhiệm vụ: (1) Kiểm soát nguồn nước, chủ động hỗ trợ kịp thời cho người dân ổn định sản xuất và đời sống theo các mô hình sản xuất nước ngọt, ngọt - lợ luân phiên và mặn phù hợp với hệ sinh thái tự nhiên. (2) Kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khi hậu, phòng chống triều cường, nước biển dâng và sụt lún đất cho vùng bảo vệ phía trong tuyến đê biển. (3) Góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang) ở những năm mưa ít. (4) Góp phần phát triển giao thông, tăng cường kết nối giao thương buôn bán giữa các vùng miền, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong vùng hưởng lợi của dự án.

Sau 2 năm đưa vào vận hành khai thác, mặc dù còn chưa được đầu tư đầy đủ, khép kín, nhưng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã bước đầu phát huy hiệu quả công trình. Cơ bản đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ của dự án là kiểm soát nguồn nước mặn, lợ và ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn mặn, giữ ngọt, chủ động nguồn nước cho sản xuất trong vùng dự án.

Vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé liên quan đến nhiều tỉnh và ảnh hưởng đến giao thông thủy nên cần có sự phối hợp đảm bảo an toàn công trình và phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé liên quan đến nhiều tỉnh và ảnh hưởng đến giao thông thủy nên cần có sự phối hợp đảm bảo an toàn công trình và phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Tuy nhiên, vì hệ thống mới đưa vào khai thác, địa bàn rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, liên quan đến giao thông thủy nên vấn đề quản lý rất phức tạp, do đó việc tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý vận hành trong hệ thống, nhất là với ở cấp xã, thủy lợi cơ sở, cộng đồng người dân vùng hưởng lợi là hết sức cần thiết. Nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình và phát huy hiệu quả công trình sau đầu tư, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gồm cống Cái Lớn, Cái Bé và cống âu thuyền Xẻo Rô. Từ khi hệ thống công trình này được đưa vào sử dụng, trải qua hai mùa không hạn năm 2021-2022 và 2022-2023 đã góp phần chủ động trong phòng chống thiên tai, điều tiết nguồn nước, phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đối với mùa khô năm 2023-2024 được dự báo là sẽ khốc liệt, hạn đến sớm và mặn xâm nhập sâu với nồng độ mặn tăng cao, nên rất cần có sự phối hợp vận hành các công trình thủy lợi  hiệu quả.

Lớp tập huấn còn là cơ hội để các bên liên quan trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện sinh kế và khai thác bền vững các công trình thủy lợi.

Trung Chánh (nongnghiep.vn)