Cắt nước kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng 90 ngày
Thứ Sáu, 06 / 10 / 2023

Sau khi được Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án sửa chữa, nâng cấp, tuyến kênh Tây sẽ được cắt nước 90 ngày để thi công.



Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam (Công ty Thủy lợi miền Nam), hệ thống hồ chứa nước thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là công trình thủy nông lớn nhất Đông Nam Á, có diện tích rộng 27.000 ha, dung tích 1,58 tỷ m3 nước.

Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, nhiệm vụ chính của hồ Dầu Tiếng là tưới trực tiếp cho trên 100.000ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Hệ thống hồ chứa nước thủy lợi Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung. height=

Hệ thống hồ chứa nước thủy lợi Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống hồ Dầu Tiếng có 3 kênh chính là kênh chính Đông, kênh chính Tây và kênh Tân Hưng, có nhiệm vụ đưa nước về điều phối cho trên 1.550 km các tuyến kênh nhánh tại các địa phương.     

Tuy nhiên, qua hơn 30 năm đưa vào sử dụng, các hệ thống kênh chính, nhất là kênh chính Tây đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng tại các huyện phía Bắc của tỉnh, nhất là vào cao điểm mùa khô hàng năm.

Sau khi được  Bộ NN-PTNT phê duyệt, giao Công ty Thủy lợi miền Nam làm chủ đầu tư dự án sửa chữa nâng cấp kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Để hoàn thành khối lượng công việc lớn, đảm bảo chất lượng theo quy định cần có thời gian thi công tối thiểu 90 ngày. Được chấp thuận của UBND tỉnh Tây Ninh, Công ty Thủy lợi miền Nam sẽ tiến hành cắt nước từ 5/10/2023 đến 10/1/2024 và mở nước trở lại dự kiến vào ngày 11/1/2024 để phục vụ vụ đông xuân 2023 -2024.

Công ty Thủy lợi miền Nam sẽ cắt nước tuyến kênh Tây ít nhất 90 ngày để đảm bảo thời gian thi công dự án. Ảnh: Trần Trung. height=

Công ty Thủy lợi miền Nam sẽ cắt nước tuyến kênh Tây ít nhất 90 ngày để đảm bảo thời gian thi công dự án. Ảnh: Trần Trung.

Công ty đã có giải pháp cấp nước thô cho Công ty Cổ phần Cấp nước Tây Ninh là 24.000 m3/ngày đêm tương đương 0,29 m3/s, cấp nước liên tục trong suốt thời gian cắt nước phục vụ thi công.

Ông Trần Quang Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Thuỷ lợi miền Nam cho biết, sau khi kênh Tây được nâng cấp, sẽ phục vụ tưới ổn định, tạo nguồn cho 21.000ha, tiêu thoát nước cho lưu vực 8.920ha; cấp nước tưới bổ sung cho khu vực huyện biên giới Tân Biên, kết hợp nuôi trồng thủy sản 6.407ha; cấp nước công nghiệp, sinh hoạt ổn định cho một số khu vực trong tỉnh Tây Ninh; đồng thời làm kênh nhánh tách biệt nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống tiêu của thành phố Tây Ninh qua suối Xa Cách đổ vào kênh Tây như hiện nay, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường xung quanh, nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi.

Người dân cạnh kênh Tây tranh thủ lấy nước để phục vụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Người dân cạnh kênh Tây tranh thủ lấy nước để phục vụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

“Dự án sẽ xây mới tuyến kênh tiêu nối tiếp với suối Xa Cách (huyện Dương Minh Châu) từ đoạn nhập lưu từ đầu kênh Tây nối về kênh tiêu Phước Hội - Bến Đình, công trình điều tiết và các công trình trên kênh, bảo đảm kết nối các tuyến kênh và giao thông hiện trạng; nâng cấp, kiên cố hóa một phần đoạn kênh Tây, kết hợp sửa chữa các công trình trên kênh Tây", ông Trần Quang Hùng chia sẻ.

Để các doanh nghiệp, nông dân nắm thông tin phục vụ sản xuất, canh tác nông nghiệp, Công ty Thủy lợi miền Nam thông báo đến các doanh nghiệp, Công ty Khai thác thủy lợi Tây Ninh để thông tin rộng rãi cho người dân chủ động nguồn nước trong hoạt động sản xuất, canh tác nông nghiệp trong thời gian công ty cắt nước kênh Tây để triển khai dự án”, ông Trần Quang Hùng chia sẻ. 

Mực nước tại tuyến kênh Tây ghi nhận chiều ngày 5/10 đang xuống rất nhanh. Ảnh: Trần Trung. height=

Mực nước tại tuyến kênh Tây ghi nhận chiều ngày 5/10 đang xuống rất nhanh. Ảnh: Trần Trung.

Ông Lê Anh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, tuyến kênh Tây phục vụ khá lớn diện tích sản xuất của địa phương. Để hạn chế tác động đến tình hình sản xuất, Sở NN-PTNT đề nghị Công ty Thủy lợi miền Nam tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình. Có thể phấn đấu mở nước trước ngày 10/1/2024 để phục vụ cấp nước cho 12 ngàn hecta lúa vụ đông xuân.

“Các sở, ngành của tỉnh sẽ giám sát và phối hợp với Công ty Thuỷ lợi miền Nam về tiến độ thi công, chất lượng công trình. Đồng thời thông tin rộng rãi đến người dân nơi triển khai dự án để nhận được sự đồng thuận ủng hộ”, ông Lê Anh Tâm chia sẻ.



Trần Trung (nongnghiep.vn)