‘Tròng’ chính sách ‘thắt’ doanh nghiệp thủy nông [Bài cuối]: Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu loạt giải pháp gỡ khó
Thứ Sáu, 10 / 11 / 2023

LTS: Sau hơn 5 năm Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2018), việc chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá cho hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi gần như không thực hiện được do còn rất nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra nhận định về thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện nay và phương hướng tháo gỡ những bất cập từ thể chế chính sách cho đến các vấn đề nội tại của địa phương, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về thực trạng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Ảnh: Phạm Huy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về thực trạng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Ảnh: Phạm Huy.

Đề nghị Bộ Tài chính sửa một số Nghị định, thông tư bất hợp lý

Hiện nay cả nước có 98 công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi, trong đó có 5 công ty thuộc Bộ NN-PTNT. Các công ty trên có vị trí rất quan trọng trong việc khai thác, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bởi, nếu địa phương có một cái hồ lớn, có một trạm bơm rất hoành tráng, đầu tư nhiều tiền nhưng không dẫn được nước đi, không khai thác đầy đủ công năng của công trình thì cũng không giải quyết được gì.

Tuy nhiên hiện nay, hoạt động của các công ty quản lý, khai thác thủy lợi có rất nhiều câu chuyện đáng bàn. Thứ nhất là công trình thủy lợi đang xuống cấp, đặc biệt là thủy lợi nội đồng. Nhiều hệ thống thủy lợi hiện nay được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng chúng ta vẫn không có kinh phí để sửa chữa. Hệ số sử dụng nước của chúng ta đang ở mức đáng báo động. Bằng chứng là với 1m3 nước, bình quân các nước trên thế giới làm ra được 2 USD nhưng chúng ta mới tạo ra được 0,1 USD.

Và, Việt Nam là quốc gia thừa nước hay thiếu nước? Chúng ta cứ tưởng chúng ta đang thừa nước, nhưng thực ra chúng ta đang thiếu nước. Nếu khai thác công trình thủy lợi hiệu quả thì sẽ góp phần tiết kiệm nguồn nước. Chúng ta biết điều đó, nhưng chưa thể làm được ngay lập tức, vì hệ thống thủy lợi xuống cấp, cần phải có thời gian và nguồn lực mới nâng cấp để đảm bảo vận hành thông minh.

Hiện nay, lương của công nhân thủy nông rất thấp, họ không yêu nghề, không muốn gắn bó với nghề. Còn doanh nghiệp thì cố gắng giữ được người còn khó chứ chưa nghĩ đến thu hút người giỏi. Mà không thu hút được người giỏi thì không có giải pháp mới, do đó hiệu quả hoạt động của hệ thống ngày càng đi xuống, ngày càng khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp khó khăn về tài chính do vướng trong thực hiện một số cơ chế, chính sách khi chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá cho hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp khó khăn về tài chính do vướng trong thực hiện một số cơ chế, chính sách khi chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá cho hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Ảnh: Minh Phúc.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết được bài toán lương thấp, thậm chí “treo” lương và nợ lương công nhân? Theo tôi, việc cần giải quyết và phải làm ngay, là phải đảm bảo thực thi đúng quy định của Luật Giá. Phải làm rõ câu chuyện đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được thu theo “giá” hay “phí”?

Ở góc độ Bộ NN-PTNT, chúng tôi rất muốn thực hiện theo Luật Giá. Tức là các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thì nhà nước phải tính giá cho đủ. Còn hiện nay chúng ta mới đang tính phí. Nhà nước cấp bao nhiêu tiền hỗ trợ phí thủy lợi thì các doanh nghiệp làm bấy nhiêu. Và từng công ty phân bổ các khoản chi cho công tác quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi. Nhiều doanh nghiệp sau khi trả lương cho người lao động thì chỉ còn 5% tổng nguồn thu để duy tu, bảo trì công trình.

Trong khi đó, cơ cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phải bao gồm tiền lương, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và các loại phí khác. Như vậy phải cấp đủ theo giá. Nếu chúng ta chưa giải quyết được bất cập này thì không thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy lợi. 4 năm qua Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, tuy nhiên phương pháp tính giá hiện nay rất phức tạp nên đang phải sửa.

Vấn đề nữa cũng rất quan trọng, đó là nếu tính giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đảm bảo đủ để các doanh nghiệp thủy lợi hoạt động thì sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bởi hiện nay, nhà nước đang hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí cho tổ chức, cá nhân sử dụng nước. Do đó, nhà nước chỉ bố trí được một mức ngân sách nhất định, ví dụ 5 năm tới chỉ có bây nhiêu tiền. Như vậy thì không thể đủ theo giá được, nên các công ty thủy lợi khó khăn lại càng khó khăn hơn khi lương vừa thấp, vừa không có tiền để sửa chữa, bảo dưỡng (trừ một số công ty có nguồn thu thêm từ các dịch vụ khác).


Nhiều doanh nghiệp hiện nay khá đau đầu về câu chuyện công nhân bị chậm lương do một số thông tư, nghị định hiện nay không phù hợp. Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính để sửa. Ví dụ năm 2022, tháng 8 mới cấp được tiền lương. Năm 2023 lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã đề nghị các đơn vị của Bộ phải quyết liệt, không để xảy ra tình trạng này nữa nhưng tháng 9 mới cấp được lương, như vậy là không thay đổi được gì.

Đặc biệt, việc thực hiện giao nhiệm vụ (như trước) hay đấu thầu, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cũng chưa rõ ràng. Trong khi nhà nước không đủ tiền để cấp bù giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi thì chắc chắn phải giao nhiệm vụ.

Doanh nghiệp thủy lợi phải tái cơ cấu chính mình

Trên thực tế, một số công ty thủy lợi vẫn có nguồn thu khá cao và “sống khỏe”. Ví dụ như Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, ngoài nguồn thu do nhà nước cấp bù thủy lợi phí, họ còn thu được từ hoạt động thoát nước đô thị và cấp nước sạch cho các nhà máy nước. Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa mỗi năm thu được gần 100 tỷ đồng từ việc cấp nước cho các nhà máy nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh.

Như vậy, các quy định hiện hành đã đủ căn cứ pháp lý để tính toán các nguồn thu khác ngoài phí thủy lợi. Đương nhiên là không phải công ty nào cũng có nguồn thu khác, nhưng điều đáng tiếc hiện nay là có rất nhiều nguồn thu khác nhưng các công ty không tham mưu được cho UBND tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua các cơ chế, căn cứ pháp lý để thu các sản phẩm, dịch vụ công ích theo đúng luật.

Các công ty thủy lợi cần tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm nhân sự, tăng lương cho người lao động. Có như vậy mới thu hút được người tài. Ảnh: Trần Trung.

Các công ty thủy lợi cần tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm nhân sự, tăng lương cho người lao động. Có như vậy mới thu hút được người tài. Ảnh: Trần Trung.

Ví dụ, các công ty được phép thu tiền từ việc vận hành hệ thống thủy lợi phục vụ thoát nước đô thị, khu dân cư và cấp nước cho nhà máy nước sạch. Tuy nhiên rất nhiều địa phương không làm hoặc biết nhưng không làm, vì khoản tiền này lại dồn về ngân sách để làm việc này, việc kia. Đúng ra, tiền đó phải trao lại cho công ty khai thác công trình thủy lợi, vì thực tế là họ làm nhiệm vụ thoát nước.

Về thu hút nguồn lực đầu tư cho thủy lợi, chỉ khi nào chúng ta xây dựng được khung giá chuẩn thì lúc đó mới xã hội hóa được. Đặc biệt, đối với những công trình thủy lợi đa mục tiêu thì cách duy nhất hiện nay là đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì mới có thể huy động nguồn lực xã hội và các nguồn lực khác. Nếu trông chờ vào ngân sách nhà nước thì rất khó đủ và không bao giờ đủ.

Hiện nay chúng ta mới xã hội hóa được một phần trong cấp nước nông thôn, còn trong các công trình thủy lợi thì gần như chưa có xã hội hóa được vì chưa có giá hợp lý. Với giá thấp như hiện nay thì không có đơn vị tư nhân nào dám “nhảy” vào đầu tư.

Một điều nữa tôi cũng rất trăn trở, đó là bản thân các công ty khai thác công trình thủy lợi phải tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động sản xuất kinh doanh, vì rất nhiều công ty tuyển quá đông người. Tư duy quản lý rất cũ và cơ học theo kiểu: mỗi công nhân quản lý bao nhiêu kilomet kênh mương.

Tôi đã đến một số công ty và nói rằng: “Nếu doanh nghiệp của anh giảm một nửa số người thì hoạt động vẫn tốt”. Bao giờ chúng ta giảm được nhân sự thì mới tập trung được nguồn lực để trả lương cao và thu hút được người giỏi. Bởi vậy, bản thân các công ty cũng đừng than thở mà phải tái cơ cấu lại chính mình.

Tôi nghĩ rằng những giải pháp trên chúng ta hoàn toàn làm được, chắc chắn là làm được. Vấn đề là chúng ta có dám làm, quyết tâm làm không hay chỉ ngồi kêu? Đây là câu chuyện mà bản thân các công ty phải tính toán.

Minh Phúc - Phạm Huy (nongnghiep.vn)