Sau một năm đưa vào vận hành khai thác hệ thống cống ngăn mặn Cái Lớn – Cái Bé, nơi đây đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy do xà lan đâm va vào cửa van cống, gây thiệt hại về người, phương tiện và ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Lúc 0h ngày 22/9/2022, một chiếc sà lan biển số CM-24080 đã va chạm với cửa van khoang KL2 cống Cái Lớn làm rơi cabin sà lan xuống sông, mất tích 01 người, thi thể nạn nhân được tìm thấy tại Rạch Giá một tuần sau tai nạn.
Đến ngày 7/4/2023, lúc 5h sáng, cũng tại cống Cái Lớn, sà lan biển số AG -22973 đang lưu thông theo hướng từ phía nội đồng ra biển đã đi vào luồng cấm và va chạm với cửa van số 11 tại khoang KL11. May mắn không thiệt hại về người nhưng đáy cửa van bị móp méo và xô lệch, chiếc sà lan cũng hư hỏng nhiều.
Đó là 2 vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra tại khu vực hệ thống Cống Cái Lớn – Cái Bé từ sau khi “siêu” công trình này được đưa vào vận hành khai thác. Ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam – đơn vị quản lý vận hành và khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé cho biết:
"Khi xảy ra các vụ va chạm thì chúng tôi đã tiến hành các biện pháp: Lắp đặt bổ sung thêm các camera giám sát ở khu vực công trình, lắp thêm đèn chiếu sáng tại các cửa van. Tăng cường công tác tuần tra."
Theo ông Do, thời gian qua, Ban quản lý dự án đã ban hành rộng rải nguyên tắc lưu thông đường thủy qua công trình. Cụ thể, ở cống Cái Lớn, trường hợp cống không vận hành hoặc vận hành nhưng đóng không hoàn toàn (chỉ đóng 7/11, hoặc 9/11 cửa) thì các phương tiện lưu thông qua cống từ hướng sông ra biển sẽ qua khoang KL5, ngược lại hướng từ biển vào sông sẽ qua khoang KL6, các khoang còn lại cấm lưu thông. Trường hợp cống đóng hoàn toàn (11/11 cửa), phương tiện giao thông thủy di chuyển qua âu thuyền.
Đối với cống Cái Bé, trường hợp cống không vận hành, các phương tiện lưu thông qua cống từ hướng sông ra biển qua khoang số 02, lưu thông từ hướng biển vào sông qua khoang số 01 (khoang tiếp giáp với âu thuyền).
Đối với cống Xẻo Rô, khi hệ thống đóng lại để kiểm soát nguồn nước thì phương tiện giao thông thủy tuân thủ nguyên tắc di chuyển qua âu thuyền.
Thế nhưng, qua khảo sát thực tế của phóng viên VOVGT thì hầu hết các phương tiện thủy đều chạy không đúng luồng theo biển báo hiệu. Thậm chí là vô tư đi vào luồng cấm. Nguyên nhân được chỉ rõ dẫn đến tình trạng này là xuất phát từ kiến thức chủ quan của người điều khiển phương tiện và trên sông vẫn còn nhiều chướng ngại vật làm chệch hướng đường đi của tàu thuyền.
Thượng tá Đỗ Quốc Việt – Phó trưởng Công an huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết: "Hàng đáy đang trấn ngang cửa van KL5, KL6. Tàu thuyền đi đến đó né hàng đáy này ra thì sẽ chệch hướng chỗ hai cửa van chính. Chúng ta cần bàn đến biện pháp để xử lý di dời hàng đáy này. Nhưng theo tôi biết có những gia đình họ chỉ sống nhờ vào hàng đáy này. Vậy chúng ta nên bàn lại, nên có mức hỗ trợ để di dời hàng đáy này hay không?"
Điều đáng lo ngại chính hiện nay, là người điều khiển phương tiện chưa đủ năng lực hành vi để điều khiển phương tiện (chưa đủ độ tuổi lao động, chưa có bằng cấp), không nắm rõ luồng - lạch khu vực công trình, không đi theo chỉ dẫn của hệ thống phao tiêu phân luồng. Trong khi khu vực công trình có lắp đầy đủ các biển báo nhưng người điều khiển phương tiện lại không có kiến thức nhận biết.
Thượng tá Đỗ Quốc Việt – Phó trưởng Công an huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đề nghị: "Ngoài những biển báo theo quy định của pháp luật thì chúng ta vẫn lắp được những biển báo phụ. Ví dụ chúng ta lắp thêm các biển dạ quang để chữ “cấm”. Thì khi lưu thông đến đây, phương tiện nhìn thấy sẽ biết phân biệt. Điều này là thực tế."
Tuy nhiên, việc lắp thêm biển báo phụ ghi bằng chữ đang vướng phải thủ tục quy định của cơ quan quản lý đường thủy nội địa. Ông Đinh Văn Ngoan – Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa khu vực III phân tích:
"Trước khi và sau khi hoàn thiện thì phương án báo hiệu đã được duyệt rồi. Khi được duyệt rồi thì làm theo đúng nguyên tắc báo hiệu. Về việc các bên đề xuất gắn thêm biển báo phụ thì về mặt quy định là không có. Nhưng đây là giải pháp cần thiết thì chúng tôi ghi nhận lại để báo cáo với đơn vị."
Để giảm thiểu tối đa rủi ro tiềm ẩn nguy hiểm khi các phương tiện đi sai luồng qua hệ thống Cái Lớn – Cái Bé, trước mắt, Ban quản lý vận hành và khai thác công trình sẽ thay thế các biển chỉ dẫn kích thước lớn giúp chủ phương tiện dễ quan sát. Đồng thời, tăng đèn chiếu sáng vào ban đêm tại các cửa van để tàu, thuyền nhận biết và đi đúng luồng chỉ định.
Thượng tá Đỗ Quốc Việt – Phó trưởng Công an huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết: "Hai bên bờ mình có thể phả 1 cái phao trên đó treo đèn đỏ, chỉ chừa đường trống ở 2 cửa KL5 và KL6 thôi, các phương tiện đi đến đây phát hiện đèn đỏ sẽ điều chỉnh hướng đi. Còn về tuyên truyền thì chúng tôi sẽ tuyên truyền trực tiếp bằng miệng thông qua công tác tuần tra kiểm soát và phát tờ rơi. Khi phương tiện tới, đề nghị phương tiện xem kỹ sơ đồ để đi cho đúng, tránh va chạm vào cống."
Cùng với các giải pháp nêu trên, thời gian tới, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, Sở GTVT, Phòng cảnh sát giao thông đường thủy hai địa phương huyện An Biên và Châu Thành cũng sẽ nỗ lực áp dụng các hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy đến các chủ phương tiện. Sau thời gian tuyên truyền sẽ là công tác tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm.
Bản thân người điều khiển phương tiện cũng phải nhận thức đúng về hành hành vi điều khiển tàu thuyền. Không có bằng cấp, không qua đào tạo thì không được phép cầm lái. Ngoài ra, khi chưa nắm rõ luồng – lạch trên tuyến sông thì phải xem bảng chỉ dẫn hoặc sơ đồ của cán bộ tuyên truyền. Nếu lái “liều” sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.
Kim Loan (vovgiaothong.vn)