Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết, ngày 17/10, mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở cao trình 23,91 mét. Lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Dầu Tiếng đang tăng mạnh, khoảng từ 200 - 400 m3/s, mực nước hồ tăng khoảng từ 1 - 3 cm/ngày.
Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, thuộc địa phận huyện Dương Minh Châu và một phần nhỏ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Đây là một trong ba hồ thủy lợi lớn và quan trọng nhất Việt Nam. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Để đảm bảo an toàn hồ đập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam đã xây dựng các phương án vận hành, đảm bảo an toàn cho công trình; chủ động dung tích chứa phòng lũ, cân đối lưu lượng xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du của Tây Ninh, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, theo dự báo thủy văn, từ 17 - 19/10, mực nước thủy triều ở sông Sài Gòn sẽ ở mức cao, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam đã chủ động điều chỉnh lưu lượng xả lũ phù hợp (chỉ xả lũ từ 36 - 50 m3/giây) và rà soát khơi thông toàn bộ các điểm tắc nghẽn ở hạ du; phối hợp chặt chẽ với Ban phòng chống thiên tai của các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh (trong đó có Chi cục Thủy lợi là cơ quan thường trực) để có phương án điều tiết phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa Dầu Tiếng - Phước Hòa, nhằm đảm bảo 3 mục tiêu: an toàn cho đập hồ chứa nước, an toàn cho vùng hạ du; đảm bảo được nguồn nước để phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên toàn bộ hệ thống.
Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết, để chủ động với tình hình mưa trên diện rộng và cường độ lớn, nhiều ngày qua, công ty đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi Tây Ninh rà soát lại những điểm liên quan đến trục tiêu thoát nước giữa hạ tầng thủy lợi của công ty và các địa phương; cho trục vớt rác, nạo vét, khơi thông dòng chảy tạo hành lang thoát lũ an toàn. Công ty cũng khuyến cáo người dân ở vùng hạ du chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, có bờ bao an toàn…
Từ đầu năm đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam đã tiến hành xả nước 4 đợt xuống sông Sài Gòn để trả lại dòng chảy môi trường, kết hợp đẩy mặn, hạ thấp mực nước hồ với lưu lượng xả từ 36 - 100 m3/s, tổng lượng xả nước hơn 1.078 triệu m3 nước.
Hồ Dầu Tiếng đã cấp nước phục vụ nông nghiệp và tạo nguồn khoảng 214.992 ha/248.212 ha đất nông nghiệp, đạt trên 85,9% kế hoạch năm 2023; cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt khoảng trên 110 triệu m3/146 triệu m3, đạt trên 75,6% kế hoạch năm.
Để đảm bảo hành lang thoát lũ trên sông Sài Gòn khi hồ Dầu Tiếng xả lũ, ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam đề nghị UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch hệ thống đê bao phòng lũ, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các hoạt động nằm trong phạm vi hành lang thoát lũ theo phương án ứng phó thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Dầu Tiếng; có giải pháp nạo vét nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt đoạn từ sau đập, với kịch bản hồ xả lũ với lưu lượng 600 m3/s và lũ PMF (có thể xảy ra tối đa lũ). Năm 2002, Công ty đã cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ với 4 cấp lưu lượng 400 m3/s, 1.000 m3/s, 2.000 m3/s, 2.800 m3/s và bàn giao cho các địa phương vùng hạ du.
Các tỉnh, thành phố trên đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ, kịp thời tuyên truyền cho bà con nhân dân có hoạt động trong lòng hồ và vùng hạ du chủ động phòng tránh, khi có mưa, lũ lớn xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt trong hoạt động lấn chiếm, xây dựng trái phép, xả thải không đảm bảo chất lượng vào công trình.
Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, thuộc phạm vi 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia; hồ được thiết kế để phục vụ quản lý khai thác đa mục tiêu, dung tích thiết kế chứa 1,58 tỷ m3 nước, ứng với cao trình mực nước dâng bình thường +24,40 m, cao trình mực nước chết +17,00 m, với diện tích mặt nước hồ là 270 km2; có đập chính dài 1,1 km, đập phụ dài 27 km và hệ thống kênh mương phục vụ tưới, tiêu là công trình cấp I, cấp II với tổng chiều dài khoảng 150 km.
Thanh Tân (TTXVN)