10 hồ chứa thủy lợi lớn nhất Việt Nam
Chủ Nhật, 11 / 06 / 2023

10 hồ chứa thủy lợi lớn nhất Việt Nam mà chúng tôi đề cập dưới đây có tổng dung tích trữ hơn 6,1 tỷ m3 nước (chiếm hơn 42% tổng dung tích trữ nước của gần 7.000 hồ chứa thủy lợi ở nước ta). Qua đó, tạo nguồn nước tưới cho hơn 338.176ha đất canh tác nông nghiệp, gắn với sinh kế của hàng triệu người dân trong vùng hưởng lợi.

Ngoài phục vụ công tác thủy lợi, các hồ đập này còn cấp hàng trăm triệu m3 nước phục vụ sinh hoạt, phát điện và phát triển các ngành kinh tế quan trọng của quốc gia; góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, phòng chống thiên tai và hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu.

Mỗi công trình như một “tượng đài” biểu trưng cho ý chí, khát vọng cống hiến và bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, hướng tới tương lai tươi đẹp. Mỗi công trình là sản phẩm kết tinh từ máu, mồ hôi và nước mắt, thậm chí là cả sinh mệnh của đồng bào; của “ý Đảng, lòng dân”, của truyền thống hào hùng của ngành Thủy lợi.

Các công trình được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng từ sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 (trừ hồ Cấm Sơn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được khởi công xây dựng năm 1966), đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới đến nay – giai đoạn chứng kiến những “bước nhảy thần tốc” trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, nhất là khoa học công nghệ.

Nếu trước đây, các hồ đập của Việt Nam đều được xây dựng bằng đập đất thì ngày nay, rất nhiều công nghệ mới, vật liệu mới được ứng dụng để rút ngắn thời gian thi công, nâng cao chất lượng cũng như tuổi thọ. Thay vì “lấy sức người vượt sức thiên nhiên”, đắp đất ngăn sông, nhiều pháp xây dựng đập tiên tiến của thế giới như đổ bê tông đầm lăn; đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông;… được ứng dụng, tạo nên những công trình kỳ vĩ cho thế hệ mai sau.

Hồ Dầu Tiếng là hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước (thuộc vùng Đông Nam bộ - Việt Nam). Hồ được hình thành do chặn dòng thượng nguồn sông Sài Gòn. Đây là hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với 270km2 mặt nước, dung tích trữ 1,58 tỷ m3 nước và hơn 45km2 vùng bán ngập.

Ngày 29/4/1981, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi đó là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã bổ nhát cuốc đầu tiên xuống vị trí nay là nhánh kênh N4 cấp 1 của kênh Đông, thuộc xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), chính thức khởi công công trình hồ Dầu Tiếng. Công trình hoàn thành và đưa vào khai thác năm 1985.

Đây là công trình thuỷ lợi nhiều kỷ lục nhất thời điểm bấy giờ: hồ nhân tạo thủy nông lớn nhất, diện tích rộng nhất, thiết bị hiện đại nhất, thời gian thi công dài nhất…

Theo thống kê, để hình thành đại công trình hồ Dầu Tiếng mất hơn 15 triệu ngày công, với hàng chục ngàn nhân công lao động thường xuyên, có thời điểm lên đến gần nửa triệu lao động.

Ngoài điều tiết nước xuống sông Sài Gòn, nhiệm vụ chính của hồ Dầu Tiếng là tưới trực tiếp cho 172.000ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có 3 kênh chính là kênh Đông, kênh Tây và kênh Tân Hưng có nhiệm vụ đưa nước về điều phối cho trên 1.550 km các tuyến kênh nhánh tại các địa phương.

Ngoài ra, nước ngọt hồ Dầu Tiếng còn là nguồn nước quan trọng phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp trong vùng hằng năm khoảng 100 triệu m³, giúp đẩy mặn, ngọt hóa vùng hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Ðông.

Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn được thiên nhiên ưu đãi cho phong cảnh hữu tình, hệ sinh thái độc đáo. Trong lòng hồ có nhiều vùng bán ngập và hàng loạt đảo, trong đó có đảo Nhím với diện tích 350ha; đảo Xỉn, đảo Trảng; núi Cậu… với tiềm năng du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên to lớn cần được khai phá.

Hồ Cửa Đạt là hồ thuỷ lợi lớn thứ hai cả nước trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Hồ được hình thành do chặn dòng thượng nguồn sông Chu, với diện tích mặt nước tại mực nước dâng bình thường khoảng 31 km2, dung tích trữ toàn bộ 1,45 tỷ m3 nước.

Đây là hồ đập đá đổ đầm nén bản mặt bê tông cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á (với chiều cao đỉnh đập 118,5m).

Ngày 2/2/2004, công trình hồ chứa nước Cửa Đạt được khởi công và đưa vào vận hành khai thác năm 2010.

5 nhiệm vụ của công trình gồm: giảm lũ với tần suất 0,6%, bảo đảm mực nước tại xã Xuân Khánh (huyện Thọ Xuân) không vượt quá 13,71m, tương đương lũ lịch sử năm 1962.

Đồng thời, công trình còn có nhiệm vụ cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng 7,715m3/s; tạo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 86.800ha đất canh tác vùng Bắc sông Chu và Nam sông Mã kết hợp phát điện với công suất 97 MW; bổ sung nước mùa kiệt cho hạ du để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng xả khoảng 30m3/s.

Khu hưởng lợi của Dự án nằm trên địa bàn các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, yên Định, Thiệu Hoá, Quảng Xương, xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thuỷ) và thành phố Thanh Hoá với diện tích tự nhiên khoảng 365.182ha. Đây là vùng chính trị, kinh tế tập trung lớn nhất tỉnh với các khu công nghiệp Nghi Sơn, Mục Sơn…, các vùng sản xuất lương thực lớn như vùng hệ thống tưới bắc sông Chu, hệ thống nam sông Mã.

Lớn thứ ba Việt Nam sau Dầu Tiếng và Cửa Đạt, hồ Ngàn Trươi nằm trọn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, có lưu vực rộng 408km2, diện tích mặt hồ 43km2 với dung tích chứa 775 triệu m3 nước…

Ngày 14/6/2009, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã phát lệnh khởi công công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi tại xã Hương Đại, thị trấn huyện Vũ Quang. Sau gần 10 năm xây dựng, công trình được bàn giao và vận hành đồng bộ vào năm 2018. Hồ Ngàn Trươi trở thành công trình có đập đất cao nhất Việt Nam. Đập chính dài 370 m, cao 61,8m.

Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 32.585 ha đất canh tác, 6.000 ha nuôi trồng thủy sản tại 8 huyện, thị xã phía Bắc Hà Tĩnh.

Đập chính hồ Ngàn Trươi có nhiệm vụ tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du với dung tích phòng lũ 157 triệu m3, đặc biệt là vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang. Dưới chân đập chính là công trình kết hợp phát điện gần 20 MW.

Vùng hạ du đập Ngàn Trươi gồm một phần các huyện: Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê và thị xã Hồng Lĩnh; ngoài ra còn có các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia như: Tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam.

Năm 2019, công trình thủy lợi Ngàn Trươi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt.

Năm 2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái thuộc VQG Vũ Quang với diện tích 70 ha. Nơi đây ngoài hệ thống động thực vật phong phú; phong cảnh hữu tình còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử được giữ gìn, tôn tạo. Đặc biệt, khu vực lòng hồ có 32 hòn đảo lớn nhỏ là điều kiện thuận lợi để Vũ Quang phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch môi trường, du thuyền lòng hồ, khám phá, trải nghiệm…

Ngoài việc có thể trở thành một điểm đến quan trọng để liên kết với các điểm du lịch khác trong toàn tỉnh thì đây còn là điểm nhấn trên tuyến du lịch liên kết với nước bạn Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Hồ Tả Trạch là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu được xây dựng trên dòng chính sông Tả Trạch (một phụ lưu chính của sông Hương) thuộc địa phận xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Diện tích lưu vực của hồ là 717km2, tổng dung tích 646 triệu m3 với đập đất có chiều cao 60m, lớn nhất Đông Nam Á ở thời điểm đó.

Tả Trạch là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu được khởi công xây dựng ngày 26/11/2005, bàn giao đưa vào sử dụng cuối 8/2016 (riêng hạng mục nhà máy thủy điện Tả Trạch chính thức vận hành phát điện từ ngày 30/4/2014).

Công trình có các chức năng, nhiệm vụ chính là chống lũ tiểu mãn và lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương, hạn chế độ sâu úng ngập cho thành phố Huế. Cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp với lưu lượng 2,0 m3/s. Tạo nguồn nước tưới ổn định cho 34.782 ha đất canh tác thuộc vùng đồng bằng sông Hương.

Đồng thời hồ còn bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản với lưu lượng 25,0 m3/s. Bên cạnh đó, dưới đập hồ chứa nước Tả Trạch còn có nhà máy phát điện với công suất 19,5 MW.

Tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 166 đưa hồ Tả Trạch vào danh sách công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mới giao cho Bộ NN-PTNT quản lý.

Nếu không có hồ Tả Trạch thì trong đợt lũ lịch sử năm 2020, theo tính toán của Bộ NN-PTNT, TP Huế sẽ ngập thêm 1,2m, còn theo tính toán của tỉnh sẽ ngập thêm 1,09m.

Hồ Kẻ Gỗ là hồ nước nhân tạo tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, hình thành từ việc xây dựng đập ngăn trên lưu vực của sông Rào Cái.

Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1976 tới năm 1980 thì hoàn thành các hạng mục chính, đến năm 1983 thì toàn bộ hệ thống được đưa vào sử dụng. Hồ có chiều dài 29km, diện tích lưu vực 223km2, diện tích lòng hồ hơn 30km2, dung tích trữ 345 triệu m3, gồm 1 đập chính và 3 đập phụ. Đập tạo hồ bằng đất đồng cao 37,4m, dài 970m.

Để đáp ứng yêu cầu thời gian, nhà chức trách phải đưa những cỗ máy nặng ba bốn chục tấn vào công trường; xây dựng 3 vạn mét vuông nhà ở cho công nhân; huy động một vạn mét khối sỏi trong quý 1 năm 1976 để phục vụ cho xây lắp. Thường xuyên trên công trường có 10 nghìn đội viên thủy lợi, hàng chục nghìn lượt người huy động đột xuất từ các hợp tác xã, khu phố, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, quân đội.

Nhiệm vụ của hồ là tưới cho 21.136 ha đất canh tác của huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh, chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du; cung cấp nước tưới phục vụ công nghiệp và sinh hoạt trong vùng với lưu lượng 1,6m3/s; phát điện công suất lắp máy 2,3 MW.

Hồ Kẻ Gỗ ra đời còn góp phần quan trọng cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả một vùng rộng lớn, đã trở thành một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị, một điểm du lịch sinh thái lý thú. Bao quanh hồ là rừng núi và nhiều động vật quý hiếm như trĩ sao, vượn đen, voi, gà lôi hồng tía, đặc biệt là gà lôi lam mào đen. Đây là điều kiện lý tưởng để thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…

Hồ Phú Ninh là hồ chứa nước nhân tạo thuộc địa phận hai huyện Núi Thành và Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, từng là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung, khi khánh thành là hồ lớn thứ hai Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hồ Phú Ninh chỉ xếp vị trí thứ 6 về quy mô và dung tích trữ nước trong hệ thống các hồ chứa thủy lợi nước ta.

Hồ được hình thành bởi hệ thống đập, với đập chính có chiều cao lớn nhất 40m và dài 620m và 1 đập phụ; diện tích lưu vực là 235km2, dung tích trữ 344 triệu m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 23.000 ha lúa và hoa màu thuộc các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình, Quế Sơn, thành phố Tam Kỳ và một phần diện tích của huyện Duy Xuyên.

Công trình được khởi công vào cuối tháng 3/1977. Để có mặt bằng thi công hồ Phú Ninh, 11.000 dân thuộc 4 xã trong lòng hồ (Tam Sơn, Tam Lãnh, Tam Thái, Tam Dân) phải di dời. Sau hơn 9 năm xây dựng, ngày 27/3/1986, công trình đã được khánh thành và vận hành khai thác.

Nhà máy thủy điện Phú Ninh với quy mô nhỏ được xây dựng để tận dụng sức nước của dòng kênh chính. Lượng điện phát ra hằng năm dao động trong khoảng 1,5-3 triệu kWh.

Hồ Phú Ninh là bức tranh sơn thủy hữu tình, thu hút du khách bởi không gian yên bình, rừng cây hùng vĩ, hồ nước xanh ngắt và quần thể 32 đảo lớn nhỏ. Vì vậy, nơi đây được xem như “hòn ngọc xanh” của miền Trung, thu hút đông đảo du khách tới nghỉ dưỡng và tham quan. Từ năm 2000 đến nay, hồ Phú Ninh trở thành một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, khai thác nhiều loại hình du lịch của huyện. Và ngày 22/01/2009, Hồ Phú Ninh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia.

Hồ Nước Trong được xây dựng trên địa bàn xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), là dự án lớn, đa mục tiêu, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, dung tích trữ 289 triệu m3. Đập không tràn của hồ dài 437m bê tông đầm lăn.

Dự án được khởi công vào ngày 9/12/2005, bắt đầu tích nước ngày 28/4/2011; vận hành công trình chính thức từ tháng 11/2017.

Nhiệm vụ chính của công trình là bổ sung nguồn nước, ổn định tưới cho 52.600 ha đất nông nghiệp thuộc hệ thống thuỷ lợi Thạch Nham vào các tháng mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 8) với mức đảm bảo cấp nước 75%.

Tạo nguồn cấp nước công nghiệp sinh hoạt cho khu kinh tế Dung Quất, thành phố Vạn Tường; thành phố Quảng Ngãi và 7 huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi,…; giảm ngập lụt hạ du với tần suất 10%; phát điện 16,5 MW; kết hợp phát triển du lịch, giảm xâm nhập mặn hạ du, cải tạo môi trường sinh thái cho vùng dự án; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân...

Ngoài nhiệm vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hồ Nước Trong còn là nơi có nhiều tiềm năng về đa dạng sinh học, tích trữ nguồn tài nguyên quý, góp phần bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

Hồ Cấm Sơn là một hồ nước thuộc địa bàn 4 xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, giáp ranh với hai huyện Hữu Lũng và Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn. Đập chính hồ cao 41,5m, dài 230m.

Hồ được khởi công xây dựng từ tháng 2/1966 đến cuối tháng 7/1969 bắt đầu tích nước. Năm 1974 chính thức bàn giao đưa vào khai thác công trình đầu mối hồ Cấm Sơn.

Công trình có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp khu vực huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn); điều hoà nguồn nước khu vực đầu nguồn sông Thương kết hợp phát điện; phân lũ, cắt lũ cho vùng hạ lưu ở các huyện: Lạng Giang, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang (Bắc Giang).

Diện tích lưu vực của hồ là 378,4km2, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 24.100ha cho vùng hạ du. Hồ rộng khoảng 2.600ha gồm nhiều đảo và được bao bọc những ngọn núi điệp trùng tạo nên cảnh quan sơn, thủy hữu tình.

Với những dự án quy hoạch xây dựng xung quanh khu vực hồ Cấm Sơn, không bao lâu nữa, Cấm Sơn sẽ trở thành nơi tham quan nghỉ mát hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch: bơi thuyền, leo núi, câu cá, đi bộ vào các làng xóm của đồng bào dân tộc, hay khám phá rừng xanh.

Hồ Định Bình được xây dựng trên sông Kôn tại xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Hồ Định Bình là một trong những công trình thủy lợi và thủy điện đầu tiên tại Việt Nam có đập chắn nước tạo hồ kiểu bê tông trọng lực, được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Đây là công trình thủy lợi - thủy điện đa mục tiêu, được khởi công xây dựng ngày 17/5/2003, khánh thành đưa vào sử dụng ngày 22/6/2009. Diện tích lưu vực hồ khoảng 826km2, tổng dung tích trữ là 226 triệu m3.

Công trình có nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới cho 27.660 ha đất nông nghiệp (dự kiến khi phát huy hết năng lực, công trình có thể đảm bảo cấp đủ nước tưới cho khoảng 34.000 ha đất nông nghiệp).

Ngoài ra hồ còn có chức năng cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác như nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Định. Phòng lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn với tần suất 10%;

Hạn chế tác hại của lũ chính vụ. Cấp nước duy trì dòng chảy mùa kiệt với lưu lượng tối thiểu 3,0 m3/s, giảm xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường sinh thái hạ lưu sông Kôn. Kết hợp phát điện với công suất lắp máy N = 6,6 MW.

Định Bình là một trong các công trình thủy lợi nằm trong Quy hoạch phát triển thủy lợi, phát triển kinh tế - xã hội lưu vực sông Kôn - sông Hà Thanh và khu vực Nam Trung bộ do Bộ NN-PTNT lập và phê duyệt.

Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình thủy lợi lớn nhất Nghệ An, được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, diện tích lưu vực 2.800km2, dung tích 224,78 triệu m3.

Đập chính bằng bê tông dài 221 m, cao hơn 45 m, là loại đập bê tông trọng lực. Trong khi đó, tràn xả lũ gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 75 m. Hiện nay, do chưa tích nước nên các khoang tràn vẫn còn để trống, khi được nghiệm thu hoàn thành, những cửa tràn này sẽ được lắp cửa van cung bằng thép bịt kín để dâng nước đến cao trình thiết kế.

Nhiệm vụ chính của hồ là cấp nước tưới cho 18.871 ha đất canh tác ven sông Hiếu, trong đó có 2.713 ha tưới tự chảy, còn lại tưới bằng động lực. Cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt khoảng 22,0 m3/s. Phát điện với công suất lắp máy 42,0 MW (Nhà máy thủy điện kiểu sau đập, kết hợp phát điện theo quy trình cấp nước tưới).

Ngoài ra, hồ còn cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh và chăn nuôi trong vùng dự án; phát triển nuôi trồng thủy sản và tham gia cải tạo môi trường kết hợp giảm một phần lũ cho vùng hạ du sông Hiếu.

Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được Bộ NN-PTNT phê duyệt năm 2009. Do không cân đối đủ vốn nên trong giai đoạn 2011-2016, dự án bị tạm dừng thi công (đến nay dự án đã hoàn thiện hơn 95% công trình).

Ngày 10/4/2018, tại cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Bản Mồng, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ chặn dòng ngăn sông Hiếu đợt 1. Đến ngày 5/1/2020 chặn dòng đợt 2.

Từ ngày 5/1/2020 hồ Bản Mồng bắt đầu tích nước theo tiến độ giải phóng lòng hồ. Dự kiến trong năm 2023 cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Bản Mồng và các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 1 của Dự án sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác. Sau đó Dự án sẽ bước vào giai đoạn 2 là tiếp tục đầu tư xây dựng những hạng mục công trình chưa được đầu tư trong giai đoạn 1.

Ngày 23/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính Phủ đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Công trình Hồ chứa nước Bản Mồng.

 
Minh Phúc - Thanh Nga- Hoàng Anh-Minh Hậu
 
Báo Nông nghiệp Việt Nam
 
Minh Sáng- Minh Hậu -Việt Khánh - Duy Khánh
 
Phạm Văn Huy -Việt Khánh

(nongnghiep.vn)