Ngày 19/3, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam (đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé) cho biết, ngày 17/3, đơn vị đã mở 11/11 cửa van cống Cái Lớn.
"Việc mở toàn cống Cái Lớn do độ mặn ở cầu Cái Tư (thượng lưu sông Cái Lớn - ranh giới giữa Kiên Giang và Hậu Giang) đã được kiểm soát tốt, dao động 0,3‰ so với ngưỡng tối đa là 1‰", ông Do lý giải.
Từ đầu mùa khô, đơn vị quản lý đã 2 lần đóng mở cửa cống, đóng từ 7 đến 9 cửa van, căn cứ theo độ mặn thực tế.
Trước đó, đơn vị quản lý, vận hành cống từng phát thông báo sẽ đóng 9/11 cửa van vào ngày 15 và 16/3. Lý giải việc thay đổi phương án, đơn vị vận hành cho hay vì tình hình xâm nhập mặn chưa nghiêm trọng như dự kiến.
"Căn cứ theo diễn biến triều, xâm nhập mặn vào nội đồng cũng như độ mặn ở các trạm quan trắc, đơn vị sẽ quyết định đóng - mở bao nhiêu cửa", đại diện đơn vị vận hành cống cho biết.
Do đã mở toàn bộ 11 đơn vị vận hành cống Cái Lớn tiến hành đóng cửa âu thuyền. Âu thuyền này rộng 15m. Trong ảnh, nam nhân công đang vận hành đóng âu thuyền cống Cái Lớn.
Cán bộ kỹ thuật làm việc tại phòng SCADA, đây là nơi nhận thông tin từ thượng nguồn, thông tin xâm nhập mặn từ các trạm quan trắc, trạm khống chế.
Theo đó, để quyết định việc đóng hay mở cống hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé phụ thuộc vào tình hình xâm nhập mặn thực tế. Đơn vị cũng dựa trên quan trắc để có kế hoạch vận hành, đơn vị có bố trí hệ thống 15 trạm quan trắc.
Từ cống vào phía thượng lưu có 5 trạm quan trắc; trong đó, 1 trạm khống chế cách cống khoảng 40km nằm ở ranh tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang để kiểm soát độ mặn không được vượt ngưỡng 1‰.
Mỗi tổ cống sẽ phân công ca trực (khoảng 6 người) tại các tháp van, phòng điều hành SCADA, theo dõi sát diễn biến của nguồn nước tại các trạm quan trắc, trạm khống chế... để kịp thời nắm bắt diễn biến xâm nhập mặn cũng như kiểm soát các phương tiện đi qua cống, âu thuyền.
Bà Trịnh Thị Ảnh, Cán bộ kỹ thuật vận hành tại cống Cái Lớn cho biết, bà có 32 năm kinh nghiệm gắn bó trong nghề. Trước đây bà làm việc tại dự án thủy lợi ở Dầu Tiếng. Sau khi hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành vào năm 2021, bà chuyển về đây công tác cho đến nay.
"Làm việc ở cống Cái Lớn áp lực hơn nhiều vì độ mặn thay đổi liên tục, tăng nhanh, tăng chậm cả sớm và muộn. Nhiều lúc đêm hôm có việc vẫn phải thức dậy vào ca trực. Công việc nào cũng có vất vả nhưng tôi thấy vui vì cống đi vào hoạt động giúp kiểm soát nguồn nước, duy trì môi trường bên trong ổn định cho các mô hình sản xuất", bà Ảnh nói.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, từ cuối tháng 2 đến nay, độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 1,3‰ đến 12‰ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 2,3‰ đến 7‰. Trên sông Cái Lớn, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu khoảng 52km (cách cầu Cái Tư khoảng 3km về phía hạ lưu). Còn sông Cái Bé, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 11km (cống Cái Bé, xã Bình An, huyện Châu Thành).
Hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé vận hành giúp vùng sinh thái ngọt hoàn toàn khoảng 145.000ha đã được kiểm soát, không để mặn xâm nhập. Vùng sinh thái lợ chủ yếu mô hình tôm - lúa cũng đã cơ bản được kiểm soát, nguồn nước có độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.
Hệ thống thủy lợi cũng giúp chủ động kiểm soát mặn cho giai đoạn cuối vụ lúa đông xuân của vùng thượng lưu cống Cái Lớn, Cái Bé thuộc địa bàn huyện An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng; góp phần tăng khả năng thoát lũ, tiêu thoát nước, giảm ngập úng khu vực Tây sông Hậu, ngăn triều cường khi có yêu cầu.
Thực hiện: Bảo Kỳ (dantri.com.vn)