Ngày 16/7, Cục Thủy lợi phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ Dầu Tiếng năm 2024.
Đáp ứng sứ mệnh
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam, hồ Dầu Tiếng là công trình đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia. Trước đây, công trình được xây dựng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính. Tuy nhiên, trước tiến trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hồ Dầu Tiếng còn trọng trách của một công trình thủy lợi đa mục tiêu.
Theo đó, với dung tích 1,5 tỷ m3 nước, hàng năm, hồ Dầu Tiếng cung cấp nước tưới cho hơn 249.000 ha đất nông nghiệp, gần 150 triệu m3 nước ngọt cho các ngành công nghiệp, sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành phố gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM. Ngoài ra, nguồn nước thủy lợi từ hồ góp phần trực tiếp và gián tiếp để khai thác lợi thế tài nguyên tự nhiên như năng lượng tái tạo, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy...
Đặc biệt, hồ còn có nhiệm vụ phòng chống thiên tai, đơn cử mùa khô vừa qua, hồ Dầu Tiếng đã xả hàng trăm triệu m3 nước để xử lý vấn đề xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông nói chung và pha loãng độ mặn tại trạm bơm Hòa Phú cung cấp nước sạch cho Nhà máy nước Tân Hiệp (TP.HCM). Đồng thời, điều tiết lũ vào mùa mưa để đảm bảo mục tiêu an toàn cho hồ đập…
“Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT, Cục Thủy lợi và sự tích cực phối hợp của 5 tỉnh, thành phố, nhìn chung, công tác quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước Dầu Tiếng thời gian qua cơ bản thực hiện tốt. Công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra thiệt hại về ngập lụt cho vùng hạ du và tích, cấp đủ nước, duy trì dòng chảy sau đập theo quy định...”, ông Trần Quang Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam khẳng định.
Mặc áo mới cho công trình
Ông Trần Quang Hùng cho biết thêm, qua hơn 40 năm đưa vào vận hành, khai thác, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp do tác động của thời gian. Ngoài ra, do quá khứ để lại, cao trình đỉnh đập chưa đáp ứng với cấp công trình đặc biệt làm giảm dung tích phòng lũ, chưa có tràn dự phòng (tràn sự cố) để giải quyết trường hợp vượt lũ kiểm tra, lũ cực hạn.
Bên cạnh đó, hệ thống công trình trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, thời tiết cực đoan, dị thường và tốc độ đô thị hóa phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay càng làm cho công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng trở nên khó khăn.
Để đảm bảo an toàn công trình, Bộ NN-PTNT giao Công ty triển khai dự án sửa chữa, nâng cao chất lượng an toàn đập hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2, với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Đến nay, hạng mục sửa chữa gia cố, chỉnh trang mặt đập chính đã hoàn thành vượt tiến độ; hạng mục sửa chữa, nâng cấp 3 đoạn kênh Tây đã hoàn thành vượt tiến độ; hạng mục sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đập phụ khởi công ngày 20/2/2024, đang thực hiện đạt tiến độ theo hợp đồng, tiến độ thi công đạt theo hợp đồng; hạng mục sửa chữa, nâng cấp tràn xả lũ và cống dẫn dòng khởi công ngày 9/12/2023, đang thực hiện, tiến độ thi công đạt theo hợp đồng, dự kiến hoàn thành tháng 6/2025.
“Mặc dù, các hạng mục công trình đang thi công sửa chữa đảm bảo đạt điểm dừng kỹ thuật, đủ điều kiện vận hành công trình điều tiết, tích, cấp nước phục vụ sản xuất”, ông Trần Quang Hùng chia sẻ.
Nâng cảnh báo mức xấu nhất để ứng phó ngập lụt
Theo các chuyên gia, năm 2024 được dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường, nhất là mưa lũ. Hiện hồ Dầu Tiếng đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa, đặc biệt là hệ thống tràn và van xả lũ. Dự kiến tới tháng 8 chỉ có 3/5 van xả lũ đưa vào vận hành.
Để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước Dầu Tiếng, ngành thủy lợi khẩn trương tham mưu, sớm phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du để chuyển giao sản phẩm cho các địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
“Về lâu dài, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam cần quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc, đo đạc, dự báo cảnh báo hiện đại thông minh. Đồng thời, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát vận hành hồ chứa... Ngoài ra, đẩy mạnh đào tạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ công trình...”, các chuyên gia khuyến nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi tiếp thu các kiến nghị đề xuất của các chuyên gia và ghi nhận đánh giá cao vai trò của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam trong công tác quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước. Đồng thời, vui mừng trước sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các địa phương góp phần thực hiện thắng lợi sứ mệnh của ngành thủy lợi.
Ông Nguyễn Tùng Phong cho rằng, sau El Nino, năm 2024 chúng ta sẽ phải đối mặt với La Nina, dự báo về tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm tiếp tục khó lường, nguy cơ mưa bão đến sớm và mức độ cao hơn mức bình thường. Để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du, ông Nguyễn Tùng Phong đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam và các tỉnh thành trong khu vực tính toán nâng mức cảnh báo lên mức xấu nhất để có phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp.
“Đặc biệt, các địa phương cần bám sát kế hoạch xả lũ, sau khi bản đồ ngập lụt được thông qua, các địa phương cần xây dựng phương án ứng phó thiên tai, chủ động xây dựng kế hoạch diễn tập cứu hộ cứu nạn phù hợp với tình hình ngập lụt ở hạ du theo các kịch bản xả lũ trong kế hoạch diễn tập…”, ông Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh.
Trần Trung (nongnghiep.vn)