Các công trình thủy lợi lớn tại ĐBSCL đã bảo vệ an toàn sản xuất vùng hưởng lợi hơn 1 triệu ha, giảm tối đa thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Bảo vệ những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết, đơn vị được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL. Các công trình được giao gồm cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô thuộc Hệ thống thủy lợi (HTTL) Cái Lớn - Cái Bé, cống âu thuyền Ninh Qưới thuộc HTTL Quản Lộ - Phụng Hiệp, cống Vũng Liêm thuộc HTTL Nam Măng Thít.
Đây là những công trình thủy lợi lớn, có tác dụng liên vùng, liên tỉnh, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất cho những vùng nông nghiệp trọng điểm và bảo vệ an toàn trước những tác động bất lợi liên quan đến nguồn nước. Để vận hành, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi được giao, Công ty đã phối hợp với các Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Trồng trọt – BVTV, đơn vị khai thác thủy lợi các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau (đối với HTTL Cái Lớn - Cái Bé và Quản Lộ - Phụng Hiệp), tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long (HTTL Nam Măng Thít). Xây dựng kế hoạch vận hành các công trình thủy lợi ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024.
Công tác vận hành công trình phục vụ sản xuất và dân sinh kinh tế khu vực hưởng lợi các hệ thống mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, với HTTL Cái Lớn - Cái Bé, khi dự báo nước mặn có khả năng xâm nhập sâu vào vùng ngọt, Công ty đã chỉ đạo Chi nhánh ĐBSCL thực hiện công tác vận hành đóng mở cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để ngăn mặn khi triều dâng cao và mở để tiêu rút mặn khi triều xuống, nhằm mục tiêu không để mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt (lúa, hoa màu, cây ăn trái…) và đảm bảo cho vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt - lợ và lợ - mặn (tôm - lúa, chuyên tôm…), đồng thời đảm bảo duy trì môi trường sinh thái vùng hưởng lợi của các tỉnh không bị tác động, ảnh hưởng ô nhiễm.
Đối với HTTL Quản Lộ - Phụng Hiệp, Công ty phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bạc Liêu, Công ty Cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng trong vận hành cống âu thuyền Ninh Quới và các công trình do địa phương quản lý thuộc hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp. Kết quả vận hành vừa thực hiện nhiệm vụ ngăn mặn, kiểm soát mặn, giữ ngọt và hỗ trợ tiêu úng cho vùng sản xuất ngọt ổn định của 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Công trình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm soát mặn không cho mặn 1‰ (g/lít) vượt qua cống Cống Đá (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), giữ ngọt cho trà lúa đông xuân, hè thu của 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu với diện tích khoảng trên 26.500ha. Ngăn không để cho mặn vượt lên đến thị xã Ngã Năm, cung cấp đủ nước mặn cho vùng chậm mặn của huyện Hồng Dân khoảng 8.500ha phục vụ nuôi tôm nước lợ.
Cống Vũng Liêm thuộc HTTL Nam Măng Thít, Công ty phối hợp với Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi, đơn vị khai thác thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, UBND huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), Càng Long (Trà Vinh) xây dựng kế hoạch vận hành công trình cung cấp nước tưới, tiêu, ngăn mặn, ngăn triều cường phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh kinh tế của hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh. Công tác quản lý khai thác, vận hành công trình cống Vũng Liêm đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, ngăn triều cường, tiếp ngọt phục vụ sản xuất, đồng thời hỗ trợ trong việc đảm bảo nguồn nước dân sinh.
Kết quả sản xuất của các tỉnh vùng hưởng lợi, với tổng diện tích các vụ lúa trong năm 2023 là 708.942ha. Trong đó, Kiên Giang với diện tích lớn nhất 314.746ha, tỉnh Bạc Liêu 189.963ha, Hậu Giang 113.561ha, Sóc Trăng 37.389ha, Vĩnh Long 25.627ha, và Trà Vinh 27.656ha. Với các vụ lúa chính trong năm, gồm vụ mùa (lúa trên đất tôm - lúa) 114.135ha, vụ đông xuân là 236.300ha, hè thu 249.352ha và thu đông 109.155ha. Tổng sản lượng thu hoạch ước đạt gần 4,5 triệu tấn.
Điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích khoảng 302.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 166.000ha, diện tích còn lại nuôi cá và các loại thủy sản khác. Sản lượng thu hoạch ước đạt 275.000 tấn, gồm tôm nuôi 99.000 tấn, cá và các loại thủy sản khác 176.000 tấn.
Vượt qua cao điểm mùa khô hạn gay gắt
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam, kết quả phối hợp vận hành các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý đã giúp kiểm soát nguồn nước, điều tiết nước phục vụ sản xuất hiệu quả. Cụ thể, khi vận hành đóng cống Cái Lớn, Cái Bé giúp giảm độ mặn tại các trạm quan trắc cầu Cái Tư, Trâm Bầu, giảm chiều sâu xâm nhập mặn vào nội đồng so với dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn.
Công ty đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các tỉnh trong công tác vận hành công trình ứng phó với thiên tai, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn... xảy ra trong khu vực hưởng lợi. Phối hợp trao đổi thông tin về kế hoạch sản xuất, khung lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiến độ sản xuất của các địa phương vùng dự án để có kế hoạch điều tiết nước phù hợp.
Công ty còn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển, Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ và Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh trong trao đổi, chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo về tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước, chất lượng nước khu vực, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng để phục vụ cho lập kế hoạch vận hành các công trình phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh kinh tế vùng dự án.
Khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật (nhất là bờ bao) chưa đáp ứng, cụ thể phía thượng, hạ lưu các công trình cần được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai. Các tỉnh vùng dự án cần nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống công trình phân ranh giữa các tiểu vùng sản xuất (ngọt, lợ, mặn).
Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình kết hợp tuyến đê biển Tây, để tạo thành hệ thống công trình phòng, chống thiên tai, triều cường, nước dâng và ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu tạo thành hệ thống đồng bộ, khép kín nhằm bảo vệ và phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh kinh tế vùng dự án.
Tại vùng hưởng lợi thuộc HTTL Cái Lớn - Cái Bé và Quản Lộ - Phụng Hiệp, nông dân Kiên Giang thuộc 7 huyện trong vùng dự án, đến nay đã thu hoạch dứt điểm lúa vụ mùa 2023 - 2024 với diện tích 71.570ha và lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 diện tích 106.122ha. Lúa đạt năng suất cao, giá tiêu thụ tốt nên đạt lợi nhuận khá cao. Đặc biệt không ghi nhận tình trạng lúa thiệt hại do xâm nhập mặn, thiếu nước tới.
Tại tỉnh Hậu Giang, nông dân các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đã thu hoạch xong diện tích lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 là 48.774ha. Ngoài ra, diện tích rau màu, cây ăn trái các loại (khoảng trên 15.000ha), diện tích thả nuôi thủy sản cũng được bảo vệ an toàn.
Tỉnh Bạc Liêu gồm các huyện Phước Long, Hồng Dân, thu hoạch dứt điểm lúa vụ thu đông với diện tích 6.820ha, lúa vụ mùa 2023 - 2024 (lúa trên đất tôm - lúa) 39.795ha và lúa đông xuân 2023 - 2024 là 21.038ha. Nông dân thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng sản xuất lúa đông xuân 2023 - 2024 với diện tích 18.500ha, ngoài ra còn diện tích gieo trồng màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản hàng ngàn ha.
Đối với khu vực hưởng lợi HTTL Nam Măng Thít, tại huyện Vũng Liêm và Càng Long (tỉnh Vĩnh Long), diện tích lúa đông xuân 2023 - 2024 là 17.305ha, diện tích gieo trồng rau màu là 1.652ha và diện tích cây ăn trái 15.361ha.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, không chỉ trong các tháng cao điểm mùa khô, mà các tháng còn lại trong năm 2024, căn cứ quy trình vận hành các HTTL Cái Lớn - Cái Bé, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, kế hoạch sản xuất, khung thời vụ, tiến độ sản xuất của các tỉnh, diễn biến nguồn nước và chất lượng nước khu vực các hệ thống, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, Sở NN-PTNT và đơn vị khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch vận hành sát với thực tế, đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh kinh tế vùng, góp phần vào hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà địa phương giao cho ngành nông nghiệp.
Mùa khô năm 2023 - 2024, ảnh hưởng của trạng thái El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khá gay gắt. Dòng chảy mùa kiệt thuộc nhóm năm ít nước, diễn biến xâm nhập mặn khó lường và xuất hiện sớm. Tuy nhiên, nhờ vận hành hiệu quả các công trình nên đã bảo vệ tốt sản xuất, giảm đáng kề thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Trung Chánh (nongnghiep.vn)